Nhím thanh lịch – Muriel Barbery


“Nhím thanh lịch” – cái tựa sách đã gợi nên một sự tò mò cho độc giả. Và đúng như vậy, đây là một tác phẩm vô cùng gai góc nhưng cũng ẩn chứa những nét dịu dàng, thanh lịch.

Câu chuyện về hai con người ở hai dộ tuổi khác nhau, haitầng lớp khác nhau, một người già – một người trẻ, một người giàu – một người làm thuê. Paloma – một cô bé 12 tuổi sống trong một gia đình thượng lưu, mê đọc truyện tranh. Renee – một bà gác cổng nghèo, góa bụa, đọc truyện của Tolstoi và nghe nhạc của Mozart. Điểm chung của họ là ngôi nhà số 7, phố Grenelle, một khu căn hộ giàu sang. Cuộc sống của họ “là một mẫu mực của sự tầm thường”. Và cả hai con người ấy đều “tinh tế như loài nhím, những con vật nhỏ bé tưởng như lờ đờ, vô cùng cô độc và thanh lịch khủng khiếp.” Hai con người kín đáo và lặng lẽ như những bông hoa trà, giản dị, thanh tao, mà chỉ có những tâm hồn nhạy cảm, tinh tế mới cảm nhận được vẻ đẹp dịu dàng cũng như hương thơm tinh khiết của nó.

Với lối kể truyện độc đáo, văn phong mượt mà, và bằng sự quan sát tinh tế, tác giả Muriel Barbery đã mượn con mắt nhìn đời của hai con người xù xì, gai góc, để bóc tách những lớp vỏ bề ngoài hời hợt, phù phiếm và khám phá những vẻ đẹp tiềm ẩn trong cuộc sống. Hai con người tưởng như là đối lập ấy, để họ đồng điệu và hòa vào một tổng thể, giống như hai bè của một bản nhạc, tạo nên sự cuốn hút của tác phẩm.

Một tác phẩm không cần phải giới thiệu nhiều, cũng chẳng cần ngợi ca bằng những mỹ từ bóng bảy, cứ để độc giả từ từ khám phá nó như mở từng cánh cửa và khám phá từng ngóc ngách trong căn nhà, hay nhẹ nhàng khám phá sự thanh lịch đang ẩn mình dưới những chiếc gai nhọn.

Đừng bao giờ nhìn cuộc đời bằng vẻ bề ngoài của nó. Có những vẻ đẹp náu mình sau những lớp vỏ xù xì, gai góc mà chỉ có những tâm hồn nhạy cảm, tinh tế mới có thể cảm nhận được.

Nhím thanh lịch 1
– NHÍM THANH LỊCH, Muriel Barbery, Hoàng Mai Anh dịch

“Ai gieo đam mê sẽ gặt áp bức.”- 12

“Kẻ mạnh
Ở loài người
Không làm gì cả
Họ nói
Và nói

Những ai biết làm thì làm, những ai không biết làm thì dạy, những ai không biết dạy thì dạy các thầy giáo, còn những ai không biết dạy các thầy giáo thì làm chính trị.” – 63

“Tôi cho rằng tất yếu là nghệ thuật thứ bảy đẹp, có uy quyền và gây buồn ngủ, còn điện ảnh giải trí thì phù phiếm, mua vui và gây hốt hoảng.”

“Trà và manga đối lại với cà phê và báo: phong cách thanh lịch và sảng khoái đối lại với tính hung hăng đáng buồn trong những trò chơi quyền lực của người lớn.” – 115

Nhím thanh lịch 4

“Có những người không có tivi. Họ làm gì nhỉ? Còn tôi ngồi hàng giờ liền trước tivi. Tôi tắt tiếng và xem. Tôi có cảm tưởng như nhìn thấy mọi vật qua tia X. Trên thực tế, khi tắt tiếng, tức là bạn bỏ đi lớp giấy gói bên ngoài, lớp giấy lụa đẹp đẽ bọc bên ngoài một thứ đồ bẩn thiểu giá hai euro. Nếu bạn xem các phóng sự trong chương trình thời sự trên truyền hình như thế, bạn sẽ thấy: các hình ảnh chẳng có bất cứ liên hệ nào với nhau, thứ duy nhất liên kết chúng là lời bình để biến một chuỗi hình ảnh theo thời gian thành một chuỗi sự kiện thực sự… Liệu văn học có phải là chiếc tivi mà người ta nhìn vào để kích hoạt các nơron gương và tạo cho mình những cơn rùng mình vì hành động mà không tốn mấy công sức không? Và, nếu tồi tệ hơn nữa, liệu văn học có phải là chiếc tivi chiếu cho người ta xem tất cả những cái mà người ta không đạt được không? ” – 122, 126

Nhim thanh lich 5

Sự tôn sùng xuất phát từ cái Đẹp. Người giàu có nghĩa vụ với cái Đẹp. Nếu không, họ đáng phải chết. ” – 135

“Với cái đẹp, người ta bỏ qua tất cả, thậm chí cả sự tầm thường.” – 52

“Bà Michel có phong cách thanh lịch của loài nhím: bên ngoài, bà ấy đầy gai nhọn, một pháo đài thực sự, nhưng tôi có trực cảm rằng bên trong, bà ấy cũng tinh tế như loài nhím, những con vật nhỏ bé tưởng như lờ đờ, vô cùng cô độc và thanh lịch khủng khiếp.” – 177

“Còn tôi khi nhìn cành và nụ hoa đó rơi, tôi có trực cảm trong một phần nghìn giây về thực chất của cái Đẹp… Bởi vì cái đẹp chính là việc người ta chớp lấy được khoảnh khắc nó diễn ra. Đó là hình dạng ngắn ngủi của các sự vật vào lúc người ta đời thời nhìn thấy cái đẹp và cái chết. Tôi tự nhủ, có phải điều đó có nghĩa là cần phải sống như thế? Luôn luôn cân bằng giữa cái đẹp và cái chết, vận động và biến mất? Sống có lẽ là thế này: Săn lùng những khoảnh khắc đang chết.” – 343

“Nếu bạn quên tương lai
Bạn đánh mất
Hiện tại

Còn tôi, tôi đã sớm hiểu ra rằng cuộc đời trôi qua vô cùng nhanh chóng, khi nhìn những người lớn quanh tôi, rất vội vã, rất căng thẳng vì thời hạn, quá tham lam hiện tại đến mức không nghĩ đến ngày mai… Nhưng nếu người ta sợ ngày hôm sau, là bởi vì người ta không biết xây dựng hiện tại và khi không biết xây dựng hiện tại, người ta đành tự an ủi rằng có thể làm được điều đó ngày mai, nhưng thật tồi tệ vì ngày mai cuối cùng luôn trở thành hôm nay, các bạn thấy không?

Do đó, đặc biệt không được quên tất cả những điều này. Cần phải sống và tin chắc rằng chúng ta sẽ già đi và rằng chuyện đó không hay tí nào, không tốt và cũng không vui vẻ gì. Và tự nhủ rằng hiện tại là quan trọng: hiện tại phải xây dựng cái gì đó, bằng bất cứ giá nào, bằng tất cả sức lực của mình. Luôn luôn nghĩ đến nhà dưỡng lão để vượt qua chính mình mỗi ngày, làm cho điều đó không phai mờ. Từng bước trèo lên đỉnh Everest của chính mình và làm sao để mỗi bước chân là một phần nhỏ của sự vĩnh cửu.” – 160

“Tất cả các gia đình hạnh phúc đều giống nhau, nhưng mỗi gia đình bất hạnh lại bất hạnh theo một kiểu riêng” là câu đầu tiên của tiểu thuyết Anna Kareninie. – 167

“Tôi đã bị không gian sống của người Nhật cuốn hút, các cánh cửa trượt không làm xẻ đôi không gian và trượt êm ái trên những đường ray vô hình. Bởi vì khi mở cửa, chúng ta biến đổi phòng ốc một cách nhỏ mọn. Chúng ta làm căn phòng không được mở rộng hết cỡ và đưa vào đó một lỗ hổng thiếu suy nghĩ theo những tỷ lệ không cân đối. Nếu nghĩ kỹ, ta sẽ thấy không có gì xấu hơn một cánh cửa mở. Đối với phòng bên trong cánh cửa đó, cánh cửa là một vết gẫy, một kiểu ký sinh phá vỡ sự thống nhất của không gian. Ở phòng liền kề, cánh cửa tạo ra khoảng lõm, một khe nứt há miệng và ngớ ngẩn, mất hút trên một đầu của bức tường mà lẽ ra cần được toàn vẹn. Trong cả hai trường hợp, cánh cửa đều làm rối loạn bề rộng của không gian mà không có lý do nào khác ngoài việc cho phép lưu thông, tuy nhiên còn có nhiều cách khác để thỏa mãn lý do này. Cánh cửa trượt tránh được các chướng ngại vật và làm cho không gian đẹp hơn. Mặc dù không làm thay đổi sự cân bằng, nó vẫn cho phép biến hình. Khi cánh cửa mở ra, hai căn phòng thông với nhau mà không làm tổn thương nhau. Khi cánh cửa đóng lại, nó lại đem lại cho mỗi phòng sự toàn vẹn vốn có. Chia cắt và tái thống nhất diễn ra mà lại tránh được sự xâm nhập. Ở đó, cuộc sống là một cuộc dạo chơi yên tĩnh, trong khi với chúng ta, cuộc sống giống như một chuỗi dài hành động phá tường.” – 186

“Người ta thưởng thức một thú vui chỉ vì biết rằng nó phù du và duy nhất, và trên cả hiểu biết đó, họ đủ khả năng dùng nó để dệt nên cuộc sống của mình.” – 202

“Một quan niệm sống nực cười khi muốn trở thành người lớn bằng cách bắt chước tất cả những hành động dở nhất của người lớn… Tôi đã thấy mẹ tôi dùng thuốc chống trầm cảm và thuốc ngủ, đó như một liều vắc xin suốt đời đối với tôi để chống lại những chất kiểu như vậy. Cuối cùng, thiếu niên tưởng rằng có thể trở thành người lớn bằng cách vụng về bắt chước những người lớn mà chính họ vẫn còn là đứa trẻ và đang chạy trốn cuộc sống. Thê thảm quá.” – 239

“Yêu không được trở thành phương tiện, mà phải là mục đích” – 242

“Nghệ thuật dùng để làm gì? Để đem lại cho chúng ta ảo tưởng ngắn ngủi nhưng sáng chói về cây hoa trà, bằng cách mở ra trong thời gian một khoảng trống cảm xúc dường như không đơn giản là logic của động vật. Nghệ thuật ra đời như thế nào? Nó được sinh ra từ khả năng khắc vào giác quan của trí óc. Nghệ thuật làm gì cho chúng ta? Nó giúp chúng ta diễn tả và thể hiện cho người khác thấy cảm xúc của mình, sau đó khắc lên những cảm xúc đó dấu ấn của sự vĩnh cửu có trong tất cả các tác phẩm thể hiện được toàn bộ xúc cảm của con người qua một hình thức đặc biệt.” – 252 

“Nghệ thuật, đó là cảm xúc khi không có ham muốn” – 254

Nghệ thuật, đó chính là cuộc sống, nhưng ở một nhịp điệu khác.” – 346

“Đói nghèo là một chiếc lưỡi hái: nó gặt trong chúng tôi tất cả những gì chúng tôi có khả năng và đem lại cho người khác, để lại chúng tôi trống rỗng, sạch, sạch trơn tình cảm, để có thể chịu đựng được tất cả sự đen tối của hiện tại. “- 361

Nhím thanh lịch 3

“Cơn mưa mùa hạ đó, tôi vẫn nhớ.

Ngày này qua ngày khác, chúng tôi đi qua đời mình như người ta đi qua một hành lang.

Và rồi, mưa mùa hạ…

Bạn có biết cơn mưa mùa hạ là gì không?

Trước hết là vẻ đẹp thanh khiết làm sập bầu trời mùa hè, nỗi sợ cung kính xâm chiếm trái tim, cảm thấy thật nhỏ bé giữa cái cao siêu, thật mỏng manh và căng đầy vì vẻ uy nghiêm của các sự vật, sững sờ, bị hớp hồn, hoan hỉ vì sự rộng lượng của thế giới.

Tiếp đó, giống như những giọt nước mắt , khi chúng có dạng tròn, nặng và tuôn ra liên tiếp, để lại phía sau một bãi biển dài không còn bất hòa, cơn mưa, mùa hè, xua đi đám bụi bặm đang đứng im, có tác dụng như một hơi thở bất tận đối với tâm hồn con người

Vì thế, một vài cơn mưa mùa hạ nằm sâu trong chúng ta như một trái tim mới đập cùng với nhịp của trái tim cũ.” – 289

“Làm thế nào người ta đánh giá được giá trị của một đời người? Một hôm, Paloma đã nói với tôi rằng, điều quan trọng không phải là chết, mà là việc người ta làm ở thời điểm chết. Tôi làm gì ở thời điểm chết? Tôi tự hỏi với một câu trả lời đã có sẵn trong sự ấm áp của tim tôi.” – 401

“Điểm yếu rất thường thấy ở những kẻ trọc phú luôn muốn biến những thứ tầm thường thành lộng lẫy” – 273

Nhím thanh lịch 2

“Bề ngoài, đôi khi người lớn bỏ thời gian để ngồi và ngắm nhìn cái thảm họa chính là cuộc đời họ. Khi đó, họ luôn ca thán mà không hiểu gì, và cũng giống như lũ ruồi luôn luôn lao vào cùng một tấm kính, họ chạy đôn đáo, đau khổ, suy sụp, sa sút tinh thần và tự hỏi về những sự việc rắc rối đã đưa họ đến nơi mà họ không mong muốn. Thậm chí những người thông minh nhất còn biến điều đó thành một thứ tôn giáo: sự trống rỗng đáng khinh bỉ của cuộc sống tư sản! Đã có những kẻ vô liêm sỉ kiểu này cùng ăn tối cùng với bố tôi: “Ước mơ thời trẻ của chúng ta ra sao rồi?” họ hỏi, vẻ tỉnh ngộ và thỏa mãn. “Đã bay đi hết và cuộc đời là một con chó.” Tôi rất ghét sự sáng suốt giả tạo này của tuổi trưởng thành. Sự thật là họ cũng như biết bao người khác,vẫn là những đứa trẻ không hiểu điều gì đã xảy ra với chúng và tỏ ra rất cứng rắn trong khi thật ra lại đang muốn khóc.

Tuy nhiên, điều này rất dễ hiểu. Sai lầm chính là việc bọn trẻ tin vào lời nói của người lớn, và khi đã trở thành người lớn, chúng lại trả thù bằng cách lừa dối con của chính mình. “Người lớn giữ bí mật cuộc sống” là lời nói dối phổ biến mà tất cả mọi người buộc phải tin theo. Ở tuổi trưởng thành, khi người ta hiểu ra đó không phải là sự thật thì đã quá muộn. Bí ẩn vẫn còn nguyên vẹn nhưng số năng lượng sẵn có thì đã bị lãng phí từ lâu vào những việc ngớ ngẩn. Khi đó người ta chỉ còn biết tự ru ngủ bằng cách cố sống của mình và lừa dối chính con cái mình để cố tự thuyết phục mình hơn nữa.

Trong số những người mà gia đình tôi thường qua lại tất cả đều đi theo cùng một con đường: thời trẻ, họ cố thử kiếm lợi từ trí tuệ của mình, vắt kiệt sức như vắt chanh để theo đuổi con đường học hành và kiếm cho mình một vị trí cấp cao, rồi cả cuộc đời phải hoảng hốt tự hỏi tại sao những hy vọng đó lại dẫn đến một sự tồn tại vô nghĩa đến vậy. Người ta cho rằng mình theo đuổi những vì sao, nhưng kết cục họ lại giống như lũ cá vàng trong bình cá cảnh. Tôi tự hỏi liệu có đơn giản hơn không khi ngay từ đầu, người ta dạy cho lũ trẻ con rằng cuộc sống là vô nghĩa. Việc này chắc chắn sẽ làm mất đi một vài khoảnh khắc tươi đẹp của tuổi thơ, nhưng sẽ giúp người ta tiết kiệm được một lượng thời gian đáng kể khi lớn lên – chưa nói tới việc người ta sẽ tránh được ít nhất một chấn thương, đó là chấn thương với bình cá.” – 17

p/s:
Các trích đoạn trên cũng là cóp nhặt từ ebook trên mạng, tôi cũng không đủ kiên nhẫn mà gõ hết chỗ này đâu. Dù thực lòng nhiều đoạn cũng rất hay nữa nhưng có trích thì dẫn hết cả sách luôn mất.

Bàn luận một chút về cái bìa sách. Bìa cũ là một bức tranh tĩnh vật màu sắc vô cùng tinh tế, còn bìa mới cũng rất sáng tạo, tuy nhiên khá nhiều bạn phàn nàn về cái bìa tái bản này của Nhã Nam, tôi lại thấy nó cũng đẹp, tiếc là màu sắc lại quá mờ nhạt nên đánh mất đi vẻ đẹp tinh tế trong từng nét vẽ của họa sĩ thiết kế. Đã tính tô màu lại bìa cuốn sách này từ trước khi phong trào sách tô màu đang nở rộ, mà chưa tìm được loại bút nào. Mà sách tô màu có khả năng giải tỏa stress thật à? Hay các bạn chỉ đang tô vẽ cho một sự “thanh lịch phù phiếm” mà thôi? Chuyện này thì kệ các bạn cứ thoải mái bán sách và mua sách về tô, mình thì mình thích giết thời gian bằng mắt hơn là bằng tay.

Leave a comment