Không gục ngã – Nguyễn Bích Lan


“Nhân trường hợp” dịch giả Nguyễn Bích Lan tham khảo ý kiến độc giả về bìa cho cuốn tự truyện của chị chuẩn bị tái bản, nên tôi muốn giới thiệu cuốn sách “Không gục ngã”.

Khong guc nga - Nguyen Bich Lan

“Một con người có thể làm gì ở tuổi mười ba? Chưa, có lẽ ở cái tuổi đó người ta chưa thể làm được gì cả, thậm chí còn chưa biết nghĩ đến tương lai. Nếu một tai họa bất ngờ ập đến với bạn ở tuổi mười ba, bạn sẽ làm gì? Vùng vẫy đấu tranh để thoát khỏi hoàn cảnh đó bằng bản năng sống của mình? Nói cách khác, đó là sức mạnh được Tạo hóa “lập trình” cho mỗi con người… Nhưng bạn có thể vùng vẫy được bao lâu khi những vòng vây của số phận nghiệt ngã không nới lỏng ra mà ngày càng siết chặt hơn? Bạn sẽ thoát khỏi sự vây siết riết róng đó bằng cách nào” 

Không gục ngã” bắt đầu bằng những câu hỏi mà có lẽ rằng bất kỳ ai trong hoàn cảnh bình thường cũng có thể đưa ra đáp án, nhưng chỉ khi nào rơi vào nghịch cảnh, chỉ khi nào vấp ngã chúng ta mới thực sự trả lời được mình có đủ mạnh mẽ để vượt qua những thử thách ấy hay sẽ buông xuôi, đầu hàng.

Sự thật thì tôi nghĩ rằng những gì mà chúng ta cảm nhận được không thấm vào đâu so với những khó khăn, thử thách mà tác giả Nguyễn Bích Lan đã trải qua. Cuộc hành trình kéo dài hơn 20 năm, được chị kể lại giản dị, chân thành qua 300 trang sách, nhưng vẫn khiến người đọc có cảm giác đây là một câu chuyện phi thường như trong những cuốn sách thần thoại. Vậy nhưng không một chút cường điệu, không hề hư cấu, người phụ nữ nhỏ bé ấy đang kể lại câu chuyện về chính cuộc đời mình. Và dù khi cuốn sách đã khép lại, thì chị vẫn còn tiếp phải tiếp tục phải đấu tranh với bệnh tật. Nhưng không như cô bé Lan mười ba tuổi yếu đuối, mỏng manh ngày xưa, giờ đây qua những cuốn sách, trên trang viết đã tiếp cho chị sức mạnh để vượt qua và đứng vững trước cuộc đời. Bởi vậy, hãy đọc cuốn sách này vì “Ai mà biết trước được một lúc nào đó lòng yêu đời trong bạn sẽ biến mất…” , vì sẽ có lúc bạn cần tìm đến những cuốn sách như thế này để giúp mình “Không gục ngã”.

Khong guc nga - Nguyen Bich Lan cover

“Trước những khó khăn và thử thách, mỗi người luôn có ít nhất hai lựa chọn: một là đầu hàng, hai là đấu tranh… Tôi đã lựa chọn điều thứ hai. 

Rất có thể vào một lúc nào đó trong đời, một biến cố lớn sẽ đẩy chúng ta đến cái điểm mà ta không xác định được sự tồn tại của mình có còn thực sự gắn liền với cuộc đời này không. Ta không nhớ mình là ai, có mặt trên đời này để làm gì. Ta cảm thấy hoặc thế giới đang đứng im hoặc ta đã đứng bên lề vòng quay ấy tự lúc nào, ngay giữa ranh giới của sự tồn tại và không tồn tại. Ta cảm thấy trong lòng mình chẳng còn gì ngoài sự trỗng rỗng mênh mông.

Tôi từng trải qua những ngày dằng dặc và chông chênh như thế. Buổi sáng hễ cứ mở mắt ra thì y như rằng tôi phải đối mặt với nỗi sợ khủng khiếp: phải làm gì để giết từng giờ, từng phút, từng giây? Tôi đã không khóc khi bị tiêm nhiều đến mức muốn rụng cánh tay, không khóc khi bị cắ một mẩu cơ bắp ở chân để làm sinh thiết. Không khóc khi phải uống triền miên những chén thuốc đông y đắng thắt cả ruột gan. Không khóc vì đau. Không khóc vì tuyệt vọng. Nhưng tôi khóc vì ngày của mình dài quá mà chẳng có cách nào giết chết thời gian…. Thật ra tôi không nhìn bầu trời hay những con chim bay mà chỉ nhìn vào hư vô, vào tấm gương phản chiếu sự trống rỗng của lòng mình. Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra nếu cứ để sự trống rỗng ấy kéo dài mãi.

Chỉ khi bị bệnh tôi mới biết con người ta chết ở tinh thần trước rồi mới chết ở thể xác.

Trên đời này, có những lúc con người ta cảm thấy ăn uống cũng là nỗi khổ.

Tuổi mười bốn của tôi trôi qua giữa những bức tường trắng lạnh lẽo của bệnh viện. Tuổi mười lăm của tôi cũng đang trôi đi trong một đường hầm tối tăm, mờ mịt không chút ánh áng le lói. Năm tháng trước khi sang tuổi mười sáu, tôi chạm vào cánh cửa của cõi chết.

Tôi hiểu sự khác nhau giữa tuổi mười bốn và tuổi hai mươi bốn. Khi bạn đã hai mươi bốn tuổi, người ta mong đợi bạn đối mặt với mọi sự thật liên quan đến bạn, dù những sự thật đó nghiệt ngã đến mức nào….Thế rồi một buổi chiều…tôi bật ra tất cả nỗi buồn được kìm nén, chất chửa kể từ khi tôi biết căn bệnh của mình chưa có thuốc chữa. Tôi khóc một trận với tột cùng nức nở. Trong cái trận khóc tự do ấy tôi đã khóc cho cả mười năm chịu đựng của chính tôi và của những người thân. Tôi khóc cho rất nhiều những hy vọng, ước mơ mà tôi ấp ủ về cái ngày tôi khỏi bệnh… Tôi đã mơ hàng trăm, hàng nghìn giấc mơ khác. Tôi đã mơ đi mơ lại những giấc mơ của mình. Bây giờ tôi khóc để chia tay tất cả những giấc mơ ấy. 

Tôi muốn được sống thêm dù chỉ một ngày. Chỉ cần được sống để nhìn thấy ánh mặt trời của ngày mới với tôi đã là hạnh phúc, chứ chưa nói đến niềm hạnh phúc được bên những người ruột thịt, thân thương.

“Tôi ra ngoài ngõ
Đón ngày của tôi
Thấy con chim nhỏ
Đánh rơi gió đồi

Tôi ra chợ gạo
Đong một mùa no
Thấy người ta gói
Thật thà đem cho

Tôi ra đồng xanh
Hái sương trên búp
Thấy nụ đời tươi
Xôn xao mừng giúp

Tình tang tôi hát
Ru ngày của tôi
Tôi gánh tôi vác
Xênh xang lộc trời.”

– Trích KHÔNG GỤC NGÃ, tự truyện Nguyễn Bích Lan

Dù đã đọc vài cuốn sách do chị dịch, nhưng chỉ đến khi đọc “Phật ở tầng áp mái” – một tác phẩm tuyệt vời, tôi mới tìm cuốn tự truyện này của chị. Và khi đọc xong tôi đã hiểu vì sao cả 2 cuốn sách này lại có sức mạnh như một trận bão tuyết. Nhưng “Không gục ngã” sẽ mang đến cho bạn những cảm xúc ấm áp bởi tình yêu thương gia đình, bè bạn, của sự cảm thông, chia sẻ giữa con người và con người. Và như câu chuyện nổi tiếng về tiến sỹ nổi tiếng Stephen Hawking trong bộ phim “The Theory of Everything”, tôi đã hiểu vì sao những con người phải chịu nghịch cảnh như họ lại có sức mạnh kiên cường đến như vậy, đó là bởi tình yêu thương. Đối với tôi họ không hề khuyết tật, mà rất có thể nhiều người trong chúng ta mới là những người khuyết tật khi chúng ta không trao yêu thương và nhận được yêu thương. Với Nguyễn Bích Lan, tình yêu của chị mãnh liệt không chỉ không chỉ trong cuốn tự truyện này, không chỉ được chia sẻ với những học sinh trong lớp học Cây Táo, mà những độc giả cũng có thể cảm nhận qua những cuốn sách mà chị đã và đang tiếp tục biên dịch.

Đọc “Không gục ngã”, tôi chợt nhớ đến một câu Nhà báo Tạ Bích Loan đã nói trong chương trình “Người đương thời” phát sóng cách đây hơn 10 năm. Câu nói ấy tôi không thể quên, bởi nó đã là động lực giúp tôi đối mặt với những khó khăn trong những ngày đầu khi phải sống tự lập, và cho đến bây giờ tôi vẫn luôn phải tự nhắc nhớ mình rằng: “Khi không còn trở ngại nào nữa, bạn đã ra khỏi lề đường“.

Leave a comment