Dịch không phải chuyện nhỏ. Nhưng dịch hay thì…


“Mourir n’est pas rien. Mais attendre la mort…” – Alex, Pierre Lemaitre. 

Chỉ chưa đầy 5 phút nhờ vả người biết tiếng Pháp đã ra câu gốc trong cuốn ALEX. Và chỉ chưa mất 1 giây Google đã dịch ra Anh-Việt thì ra thế này:

“Dying không là gì cả. Nhưng chờ đợi cái chết …”
“Dying is not nothing. But wait for death… “

Còn dịch giả Cao Việt Dũng thì dịch thế này:
“Chết không phải chuyện nhỏ. Nhưng chờ đợi cái chết thì…”

Bạn bảo ý câu này là: Cái chết đã ghê gớm rồi, nhưng khoảnh khắc chờ đợi Thần Chết còn kinh khủng hơn. Ờ, có thế mà mình cũng chẳng hiểu ra. Nhưng mà “không phải chuyện nhỏ ” thì mình vẫn không hiểu thật. Nên trong câu này thì có lẽ Google Translate dịch ổn đấy chứ nhỉ?

Chỉ một câu thôi, dù là hiểu qua về từng từ đấy, nắm được nghĩa đấy, nhưng dịch thế nào cho đúng, cho hay thì quả thực chẳng đơn giản tẹo nào.

Thêm một ví dụ khác đó là có lần một bạn comment trên Facebook thắc mắc rằng tại sao tác phẩm của Bernhard Schlink không dịch là “Độc giả” mà lại là “Người đọc“. Và dịch giả Lê Quang đã phản hồi ngay rằng “Der Vorleser” theo nguyên bản tiếng Đức có nghĩa là: Đọc cho người khác, và e là hiếm có ngôn ngữ nào trên thế giới có từ tương đương.

Có bạn quan điểm hơi cực đoan khẳng định với mình rằng: Phải đọc tác phẩm nguyên gốc, đừng bao giờ đọc sách dịch vì nó đều là “dị dạng”. Xét về góc độ nào đó quan điểm này của bạn rất đúng, nhưng đâu phải độc giả nào cũng thông thao ngoại ngữ, nên dịch thuật vẫn vô cùng quan trọng. Và mình thì rất đồng tình với quan điểm này của nhà văn Hàn Quốc Kim Young Ha đã trả lời phỏng vấn khi đến thăm Việt Nam năm 2014 rằng: “Nhà văn Milan Kundera nói rằng, thông qua biên dịch, tác phẩm sẽ được tái phát hiện. Riêng tôi, tôi thành thật mong muốn bạn đọc ở nước ngoài đọc sách của tôi theo một cách khác, theo cách mà tôi hay độc giả nước chúng tôi không thể thấy, hoặc không thể nghĩ đến được. Thật tình mà nói, khi một tác phẩm nào đó được dịch ra ngôn ngữ khác thì không còn là của tôi nữa, mà tác phẩm ấy đã trở thành một phần trong nền văn hóa nơi đất nước của ngôn ngữ dịch.”

Chủ đề này vẫn còn nan giải lắm, chỉ kết luận một điều rằng: Dịch không phải chuyện nhỏ. Nhưng dịch hay thì…  Google Translate cũng không thể đâu, vẫn rất cần những dịch giả có tầm có tâm.

Ôi bỗng dưng lại thèm mình giỏi và thông thạo ngoại ngữ quá trời. Nhưng lúc thì thích học tiếng Pháp, lúc thì Ý, mà cầy mãi tiếng Anh cũng không xong. Mình chẳng rành ngoại ngữ, nên cũng không mấy khi quan tâm và phán xét chuyện dịch thuật. Chỉ thỉnh thoảng có những câu đọc thấy “trúc trắc” hoặc thấy hay thì mình quan tâm, chú ý. Ví dụ như câu trên của Pierre Lemaitre, với mình rất thú vị.

Trở lại với Alex, một điều thú vị mà mình mới khám phá ra đó chính là ảnh bìa của Nhã Nam. Ban đầu cứ nghĩ Tidus Fair Supertramp là họa sĩ nước ngoài, thì ra đó là họa sĩ Việt. Bởi vậy đã phải inbox thể hiện sự yêu thích của mình với ảnh bìa Alex phiên bản Việt. Dù mình vốn không hay thích nhiều bìa sách được photoshop, thì bìa sách này đã được “chuột họa” rất đẹp và tinh tế.

https://www.facebook.com/TidusFairSupertrampStudio  http://www.flickr.com/photos/tidusfairphotography/

Leave a comment